Tìm hiểu về Quyền Sở hữu trí tuệ - Những vấn đề cơ bản

Tại Teespring, chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ các tác giả Teespring và giúp họ tạo ra những sản phẩm thiết kế thật đẹp đồng thời mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho người mua. Trong khả năng nỗ lực của mình, chúng tôi cũng cam kết bảo vệ quyền lợi của các cá nhân và công ty liên quan đến nội dung được đăng tải trên trang dịch vụ của Teespring.

Quyền của bên thứ ba được xác định dựa trên các bộ luật và tiêu chuẩn pháp lý khác nhau có thể dễ gây nhầm lẫn. Các quyền này khác nhau rất nhiều và thường bị hiểu nhầm. Chúng tôi viết ra hướng dẫn này để cung cấp thông tin ở mức độ chi tiết về một số loại quyền pháp lý và giúp các tác giả Teespring nắm được những gì được phép sử dụng trên trang dịch vụ của chúng tôi.

Chúng tôi mô tả một số quyền chính yếu dưới đây (nhãn hiệu, bản quyền và quyền công bố). Trong thực tế, phân tích pháp lý về mỗi loại quyền này chi tiết và phức tạp hơn nhiều so với phần tóm tắt của chúng tôi dưới đây. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng những thông tin dưới đây là thông tin hữu ích và sẽ cung cấp các chỉ dẫn để người dùng có thể tạo ra các chiến dịch hợp lệ trên trang dịch vụ của Teespring.

Nhãn hiệu

Nhãn hiệu là gì?

Nhãn hiệu là một từ hoặc một biểu tượng thể hiện "xuất xứ của hàng hóa", nghĩa là giúp người tiêu dùng xác định được công ty chịu trách nhiệm cao nhất cho một sản phẩm cụ thể. Mục đích của nhãn hiệu cũng nhằm cho người tiêu dùng biết chất lượng và sự hấp dẫn của sản phẩm và qua đó hy vọng nâng cao khả năng người tiêu dùng sẽ mua sản phẩm. Khi một người tiêu dùng nhìn thấy nhãn hiệu "BMW" trên một chiếc xe, họ sẽ hình dung được những thông tin về kỹ thuật, sự thoải mái và tiện nghi họ sẽ được hưởng khi lái xe. Mối liên hệ giữa nhãn hiệu ("BMW") và những phẩm chất cảm nhận được của sản phẩm (sang trọng, mạnh mẽ, kỹ thuật xuất sắc) có giá trị rất cao trên thị trường. Các công ty đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển mối liên hệ giữa nhãn hiệu và sản phẩm vì điều đó có thể có tác động đáng kể đến doanh số bán hàng. Danh tiếng và nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn. Bản thân giá trị đó là tài sản mà các công ty luôn nỗ lực bảo vệ.

  • Quyền nhãn hiệu là gì?

    Khái niệm đằng sau quyền nhãn hiệu là chủ sở hữu của nhãn hiệu có quyền hợp pháp để ngăn chặn người khác kinh doanh dựa trên giá trị của thương hiệu và danh tiếng của công ty. Họ có thể làm điều đó bằng cách ngăn chặn việc sử dụng bất kỳ nhãn hiệu tương tự nào có thể gây nhầm lẫn. Vì vậy, nếu một công ty xe hơi nào đó muốn sử dụng nhãn hiệu "VMW" để nhận diện mẫu xe mới của mình, BMW sẽ có quyền bắt họ ngừng làm điều đó do sự giống nhau của hai nhãn hiệu và loại hàng hóa mà các nhãn hiệu đó đang được dùng để nhận diện. Chủ sở hữu nhãn hiệu cũng thường bảo vệ quyền nhãn hiệu đối với các hàng hóa liên quan khác mà họ muốn bán - ví dụ, áo thun.

    Nhãn hiệu có ý nghĩa như thế nào đối với các tác giả Teespring?

    Các tác giả Teespring không được phép sử dụng nhãn hiệu của bên thứ ba, trừ khi họ được cấp phép làm điều đó. Teespring xem xét tất cả các chiến dịch để ngăn ngừa sự vi phạm quyền lợi của bên thứ ba.

    Dưới đây là một vài ví dụ về các sản phẩm có sử dụng tài liệu đã được đăng ký nhãn hiệu. Những chiến dịch này sẽ bị đánh dấu trong quá trình xem xét của chúng tôi và sẽ bị chấm dứt. Bạn có thể di chuột hoặc chạm vào một thiết kế để tìm hiểu lý do tại sao thiết kế này được bảo vệ theo luật nhãn hiệu.

    • Áo mẫu
      Thiết kế này sử dụng tên nhãn hiệu "Red Sox," một nhãn hiệu được đăng ký thuộc sở hữu của MLB. MLB độc quyền sử dụng tên "Red Sox" trên hàng hóa.
    • Áo mẫu
      Như hầu hết các nhãn hiệu, Jeep sở hữu quyền nhãn hiệu để bảo vệ tên và logo biểu tượng của tên này. Chiến dịch này sẽ bị đình chỉ do sử dụng trái phép nhãn hiệu "Jeep".
    • Áo mẫu
      Việc sử dụng các màu sắc của một đội cũng được cho là vi phạm nhãn hiệu của đội nếu như màu sắc và các yếu tố khác của thiết kế thể hiện sự liên hệ đến một đội cụ thể.

    Nếu như logo không được sử dụng thì sao?

    Ví dụ đầu tiên ở trên cho thấy một nhãn hiệu thuộc sở hữu của Major League Baseball. Như bạn biết, logo của tất cả các đội thể thao bậc đại học và chuyên nghiệp đều được bảo vệ rõ ràng bởi luật nhãn hiệu. Nhưng việc bảo vệ pháp lý đó còn vượt ra ngoài tên đội bóng và logo của họ. Nếu một thiết kế thể hiện sự kết hợp các yếu tố để gợi sự liên hệ một cách rõ ràng về một đội thể thao cụ thể, thiết kế đó cũng được xem là vi phạm. Ví dụ, nếu một chiếc áo có hình ảnh một quả bóng chày, một gợi ý về Boston và các màu sắc được sử dụng bởi đội Red Sox, chủ sở hữu thương hiệu rất có thể sẽ khiếu nại về việc vi phạm.

    Phương pháp kiểm tra tốt nhất là gì?

    Như đã mô tả ở đoạn trên, tòa án cấm sử dụng các yếu tố khác nhau của một thương hiệu, ngay cả khi logo hay tên không được sử dụng một cách chính xác. Vì vậy, khi có băn khoăn về việc một thiết kế có vấn đề hay không, cách tốt nhất là suy nghĩ xem mục đích của thiết kế có phải dành cho người hâm mộ của một sản phẩm hoặc tổ chức cụ thể hay không. Nếu bạn nhìn vào một thiết kế và bạn biết thiết kế này nhắm vào người hâm mộ của Red Sox, vậy rất có khả năng là tòa án sẽ cấm sử dụng thiết kế đó theo luật nhãn hiệu.

Bản quyền

  • Bảo vệ bản quyền

    Bản quyền đã tồn tại hàng trăm năm nay (thậm chí có trước Hiến pháp Hoa Kỳ). Ý tưởng nền tảng của bản quyền là cho người sáng tạo tác phẩm quyền kiểm soát việc tái sử dụng và phân phối tác phẩm đó (dù là một bản sao chính xác hoặc một phiên bản sửa đổi).

    Luật bản quyền cho rằng một tác phẩm phải là "nguyên gốc" thì mới được bảo vệ. "Nguyên gốc" không có nghĩa là sáng tạo. "Nguyên gốc" theo nghĩa pháp lý có nghĩa là tác giả không sao chép bất cứ ai khác. Theo luật bản quyền, bạn không có quyền sử dụng tác phẩm của người khác làm nền tảng cho tác phẩm của mình. Bạn phải là người tạo ra tác phẩm nguyên gốc của riêng bạn ngay từ đầu. Ví dụ, trong một vụ án nổi tiếng, một nhiếp ảnh gia bị phát hiện đã sao chép bức ảnh của một nghệ sĩ khác mặc dù ông đã sử dụng mô hình và vị trí khác nhau. Các chi tiết của bức ảnh thứ hai rất giống với bức đầu tiên (bề ngoài, bố cục và chủ đề) nên tòa án xác định có sự vi phạm bản quyền.

    Mục đích của bản quyền là để tạo ra sự cân bằng giữa việc tự do tìm cảm hứng và bảo vệ những người tạo ra tác phẩm. Ví dụ, các sự thật chung sẽ không được bảo vệ bởi bản quyền. Các tác phẩm phục vụ lợi ích cho đa số mọi người, chẳng hạn như hướng dẫn hoặc công thức nấu ăn, sẽ không được bảo vệ. Mọi người đều có quyền tự do sử dụng ý tưởng và thông tin. Bản quyền chỉ bảo vệ cách thể hiện độc đáo của ý tưởng, chứ không phải chính ý tưởng đó.

    Bản quyền không nhằm hạn chế việc chia sẻ các ý tưởng và không bao gồm ý tưởng nền tảng. Vì vậy, các họa sĩ đã vẽ một phong cảnh không thể cấm người khác vẽ lại phong cảnh đó. Họ chỉ có thể ngăn không cho các nghệ sĩ khác sử dụng chính bức tranh của họ làm cơ sở cho tác phẩm khác.

    Mặc dù bản quyền không bảo vệ ý tưởng, do ý tưởng có thể được thể hiện theo nhiều cách khác nhau nên mỗi cách thể hiện đó đều được bảo vệ bởi bản quyền. Nhưng các thành phần của cách thể hiện, chẳng hạn như từ và cụm từ riêng lẻ hoặc hình dạng và các yếu tố thiết kế riêng lẻ, sẽ không được bảo vệ. Cách thể hiện phải phát triển vượt ra khỏi các thành phần riêng lẻ. Thiết kế càng đơn giản càng ít được bảo vệ bởi luật bản quyền.

  • Điều này có nghĩa gì đối với các tác giả Teespring?

    Các tác giả Teespring không được phép sử dụng tác phẩm có bản quyền của bên thứ ba, trừ khi họ được cấp phép.

    Dưới đây là một số ví dụ về thiết kế có chứa các tác phẩm có bản quyền. Hai thiết kế đầu tiên thể hiện hai nội dung nổi tiếng. Ví dụ cuối thể hiện một tác phẩm độc đáo được tạo từ đầu.

    • Áo mẫu
      Thiết kế này sử dụng toàn bộ tác phẩm nghệ thuật nguyên gốc, và do đó tự động được bảo vệ bản quyền. Những người khác sao chép thiết kế này mà không chỉnh sửa sẽ được xem là sự xâm phạm bản quyền của tác giả.
    • Áo mẫu
      Bản quyền bảo vệ các thiết kế cũng như các tác phẩm viết như kịch bản và lời bài hát.
    • Áo mẫu
      Chủ sở hữu của các tài sản sáng tạo được sử dụng trong chương trình The Simpson kiểm soát việc sử dụng tất cả các tài sản đó. Đây là ví dụ về một tác phẩm có bản quyền không được in nếu không có sự cho phép của người sở hữu quyền.
  • Quyền Công bố và Quyền Riêng tư

  • Quyền công bố khác rất nhiều so với các quyền pháp lý của luật nhãn hiệu và bản quyền và là một khái niệm đơn giản hơn nhiều. Quyền công bố là quyền để những người nổi tiếng kiểm soát việc sử dụng tên tuổi hoặc chân dung của họ vì mục đích thương mại. Vì vậy, Taylor Swift có quyền quyết định tên hoặc khuôn mặt của cô có xuất hiện trong một sản phẩm quảng cáo hay không.

    Quyền công bố thực chất là một phần nhỏ trong bộ quyền riêng tư lớn hơn được áp dụng cho tất cả mọi người. Trong bối cảnh tiếp thị và thương mại, quyền công bố là quyền của mỗi người được sử dụng tên và hình ảnh của họ trong một bối cảnh thương mại.

    Để tuân thủ quyền công bố và các quy đinh pháp luật về quyền riêng tư, Teespring sẽ không thể in các mẫu áo có chứa tên hoặc hình ảnh của bất kỳ cá nhân nào, bao gồm cả những người nổi tiếng, trừ khi chúng tôi được yêu cầu làm khác đi bởi cá nhân đó hoặc đại diện của họ.

  • Các nguồn tư liệu khác

  • Bạn có thể tìm hiểu thêm về nhãn hiệu và bản quyền qua các nguồn sau:

    1. USPTO.gov - Trên trang web của U.S. Patent and Trademark Office (Cơ quan Bản quyền và Thương hiệu Hoa Kỳ) có mục Câu hỏi Thường gặp và một công cụ tìm kiếm để bạn kiểm tra các nhãn hiệu đã được đăng ký.
    2. Copyright.gov - U.S Copyright Office (Cơ quan Bản quyền Hoa Kỳ) có mục Câu hỏi Thường gặp rất hữu ích.
    3. Trademarkia.com - Trademarkia cũng có mục Câu hỏi Thường gặp dễ hiểu và công cụ tìm kiếm.
    4. Các trang Cấp phép - Nhiều thương hiệu và tổ chức có các trang (tìm trang "Điều khoản") liệt kê các bản quyền và nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của họ.
    5. AVVO - Một trang web cho phép người dùng hỏi và được tư vấn pháp lý miễn phí từ các luật sư uy tín.